[Sách hay] Đám cưới trong mơ

Giận nhau với người yêu vì một chuyện cỏn con, đúng lúc đọc cuốn “Đám cưới trong mơ” thì vỡ òa trong cảm xúc. Truyện tinh tế đến mức độ cảm giác như trong cuộc đời mình sẽ gặp những người như vậy, mình cũng sẽ như vậy và người tình/chồng mình cũng sẽ có lúc như vậy.

dam cuoi - bia 1

 

Cảm giác hả dạ khi thấy người thứ 3 phá hoại hạnh phúc gia đình người khác phải nhận “quả đắng”.

Cảm giác do dự khi diễn giải rất thật về nỗi éo le của người thứ 3.

Cảm giác thở phào vì sự “biết quay đầu là bờ” của bất kì người phụ nữ nào cũng có lúc yếu lòng.

Cảm giác giận dỗi vì người đàn ông của mình đôi khi “lạc lối”.

Và cũng là cả hỗn hợp nhiều những cảm xúc khác như đồ thị hình sin khi đọc xong cuốn “Đám cưới trong mơ”.

Tác giả tỉnh, đưa độc giả vào thế giới rất đời. May làm sao, chút ý thức về trân trọng hạnh phúc của thực tại níu kéo người đọc nhớ lại những hạnh phúc đã qua, để biết nên đi con đường nào là đúng đắn.

Hay quá. Phải gào lên như vậy thêm một lần nữa! Hay quá thật!

*

Trích “Đám cưới trong mơ”:

GƯƠNG VỠ

Nhà của Hoài không có chiếc gương soi nào, ngay cả trong phòng tắm.

Trước khi ra đường, Hoài thường liếc vội ở đâu đó có thể thoáng thấy bóng mình, như màn hình vi tính, kính chiếu hậu xe máy hay cánh cửa kiếng vừa khép lại.

Hoài cũng rất ít khi trang điểm. Đôi lần bắt gặp Hoài thoa son dưỡng môi qua hình ảnh phản chiếu trên màn hình điện thoại, bạn bè đứa thì lấy làm lạ, đứa thì đưa mượn chiếc gương nhỏ, có đứa còn tìm dịp mua gương tặng Hoài. Hoài chỉ cười cười khỏa lấp khi có ai đó hỏi sao Hoài là phụ nữ mà không thích soi gương.

Hoài không muốn kể với mọi người rằng, lúc nhỏ, Hoài thường nằm im trên giường giả vờ ngủ say để dõi theo bóng mẹ ngồi như hóa đá trước gương, thả những suy nghĩ rối bời theo ba Hoài, người vẫn hay về nhà khi đã quá nửa đêm… Hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại, ăn sâu vào tiềm thức, và trở thành một vết cứa nhức nhối Hoài mãi mãi khi một đêm bất chợt giật mình choàng tỉnh không thấy mẹ, Hoài bổ nhào đi tìm khắp nhà, cuối cùng phát hiện mẹ nằm bất động bên tấm gương vỡ nát trong phòng tắm mà tay vẫn nắm chặt một mảnh thủy tinh. Máu từ cổ tay mẹ chảy ra đã đọng thành vũng đỏ bầm màu uất nghẹn…

Từ cái đêm định mệnh đó, ba Hoài không bao giờ về trễ nữa. Chính ba là người dẹp bỏ hết các tấm gương trong nhà, vì hiểu đây là một cú sốc quá lớn đối với một đứa trẻ lên chín. Còn Hoài, hiếm khi có được một giấc ngủ không mộng mị, khi mẹ vẫn trở về trong giấc mơ bằng hình hài chắp vá, qua những mảnh thủy tinh sắc nhọn ghép lại với nhau. Đôi khi chỉ cần nhìn vào đáy mắt đầy ân hận của ba, Hoài cũng như thấy bóng mẹ khắc khoải… Dù sau này Hoài đã lớn khôn, được ba đưa cho đọc nhật ký của mẹ, đã hiểu mẹ chỉ vì một phút yếu lòng của đàn bà mà phải nhận sự ghẻ lạnh của ba và trả giá bằng năm dài tháng rộng ngóng trông, để cuối cùng kết thúc đời mình bằng một mảnh gương. Tuy vậy, Hoài vẫn không làm sao thấy dễ chịu khi đối diện với ba.

***

Dam cuoi - fan

Khi đã lấy chồng, sinh con, Hoài vẫn không soi gương theo đúng nghĩa. Chồng có nghe kể về thời thơ ấu của Hoài nhưng không đủ tinh tế và nhạy cảm để hiểu được Hoài. Vì thế mà vào một lần sinh nhật của Hoài, chồng bất ngờ mua tặng một bàn trang điểm, tất nhiên có hẳn chiếc gương soi. Vừa nhìn thấy nó, Hoài đã chực nôn ọe nhưng dằn được. Không thể… trùm mền món quà đó nên hằng ngày, Hoài phải nín thở đi qua. Năm dài tháng rộng, Hoài dần có cảm giác mình cũng đã lặng lẽ đi qua những đồng cảm vốn hiếm hoi giữa hai vợ chồng.

Khi cuộc hôn nhân từ những mới mẻ, hạnh phúc ban đầu đi dần đến những tẻ nhạt, nhàm chán, Hoài bất ngờ gặp lại anh. Anh chính là người bạn học thời phổ thông mà Hoài từng dành tình cảm tốt đẹp.

Ngày ấy trong lớp học, ngồi bàn trên nên anh hay lén nhìn Hoài qua chiếc gương nhỏ trong hộp bút của mình. Chính hành động đó khiến Hoài chú ý và cảm thấy gần gũi lạ lùng! Hoài lại nhoi nhói nơi lồng ngực trái, như bắt gặp chính mình thuở mẹ còn sống. Nhưng anh chỉ nhìn thôi mà chẳng nói gì, suốt ba năm cấp ba và mãi đến khi hai người hai ngả…

Anh khác trước đến nỗi, ngồi đối diện nhau trong quán cà phê, khoảng cách chỉ là chiếc bàn nhỏ có đặt một bình hoa cúc tím, nghe anh kể chuyện hiện tại và hỏi thăm chuyện của mình, nhưng Hoài liên tục xao lãng vì bận lục tìm trí nhớ. Mái tóc rẽ ngôi giữa ngang tàng ngày xưa đã không còn nữa. Gương mặt đẹp một cách baby tất nhiên cũng không còn. Đôi mắt nâu mà Hoài thích nhất ở anh, giờ dường như cũng vơi màu sương khói…

Anh cầm bàn tay đã bắt đầu nổi lên những đường gân xanh của Hoài: “Em vẫn xinh xắn và dịu dàng”.

Hoài cong môi: “Nhưng anh thì khác trước” khiến anh bật cười: “Khác theo chiều hướng tốt hay xấu?”.

Hoài đưa mắt nhìn quanh quán nước để tránh cái nhìn đắm đuối của anh, nổi hứng bông đùa: “Em sẽ từ từ kiểm chứng”….

Cuộc nói chuyện trở nên cởi mở, thân tình hơn, dù liên tục bị chen ngang bởi những cuộc gọi. Lúc anh bận rộn trả lời họ, Hoài có thời gian quan sát anh và bất giác so sánh với chồng mình. Một công chức mẫn cán thường tự trào rằng cuộc đời không có thành công nào lớn hơn là cưới được Hoài làm vợ, quả là khập khiễng khi so với người đàn ông đến từ quá khứ của Hoài. Mùi nước hoa thoang thoảng, bộ quần áo đắt tiền, cặp kính râm hàng hiệu giắt nơi ngực áo, cả chiếc điện thoại thời thượng kia. Hoài lập tức bị thu hút bởi hình ảnh hiện tại của anh, dù biết nó toát lên vẻ… nguy hiểm không cần cảnh báo.

Những ngày sau đó, anh và Hoài không hẹn mà lại tìm mọi cách “đến gần” nhau, bằng những khơi gợi về trường xưa, lớp cũ, thầy cô, bè bạn… Những dòng tin nhắn kín đáo, những cuộc gọi vội vã, những email chan chứa tình cảm… ngày càng nhiều. Một cách tự nhiên, Hoài thả trôi mình theo dòng hoài niệm, cùng anh thong dong đi ngược thời gian, nơi có trời xanh, mây trắng, nắng vàng, nơi không có những lo toan cơm áo gạo tiền, những đời thường hơn thua. Đôi lần, Hoài e ngại vì thấy có lỗi với chồng. Nhưng khi lướt mắt tới góc phòng ngủ, nơi có cái “của nợ” là bộ bàn trang điểm mà chồng vô tình mang về, Hoài thả trôi ý nghĩ có lỗi ấy ngay. Hoài lặng lẽ quan sát chồng trong những phút ít ỏi mà gia đình đủ mặt và cảm thấy chán chường khi chồng không có vẻ gì nhận ra tâm hồn Hoài đang ít nhiều xao động.

***

Anh chủ động mời Hoài một bữa cơm trưa văn phòng trong một ngày không hẹn trước. Vừa nghe giọng anh trầm buồn qua điện thoại, Hoài gạt hết mọi việc đang dang dở sang một bên và chạy bay đến với anh. Hai người lặng lẽ ăn uống chứ không nói cười như lần đầu gặp mặt. Chỉ đến khi hai tách cà phê được bưng ra thì anh mới đăm đắm nhìn Hoài: “Hôm nay là kỉ niệm mười năm ngày cưới của vợ chồng anh”.

Hoài sững sờ rồi bối rối quay mặt đi nơi khác. “Thế sao anh không hẹn hò với vợ mà lại đi tìm em? Sao anh nghĩ em cần phải biết điều này? Một người đàn ông lén lút đi gặp người phụ nữ khác trong ngày như thế thì đáng tội gì?…”.

Biết bao câu hỏi cùng lúc xô đẩy nhau trong đầu Hoài, chỉ chực tràn ra khỏi đôi môi mấp máy của Hoài nhưng cái nắm tay ân cần của anh đã ngăn lại kịp lúc: “Em hãy hiểu ngày này không còn ý nghĩa gì với anh nữa, từ trước khi gặp lại em. Và càng không có ý nghĩa gì sau khi anh gặp lại em”.

Hoài nghẹn thở. Hoài rưng rưng nhìn anh, thấy như ngay trước mặt mình chàng trai đã leo lên cây phượng cao nhất phía sau trường để hái tặng cô chùm hoa đẹp nhất. Những cánh hoa học trò, Hoài đã ép khô trong trang lưu bút và cất giữ nơi ngăn tủ bí mật, chồng Hoài chưa bao giờ biết để chạm đến và cũng không bao giờ có thể chạm đến.

Hoài ngập ngừng ngả đầu vào vai anh, theo cái ôm choàng dịu dàng và ấm áp của anh. Hoài run rẩy khi môi anh lướt trên những sợi tóc óng ả của Hoài lần tìm xuống tới mắt, tới môi Hoài. Giây phút đó, Hoài không còn nhớ gì cả, chồng Hoài, con Hoài, những bài giảng đạo đức, những ánh mắt đảo qua vô tình hay hữu ý của các thực khách trong quán. Và cả cái tuổi thơ đầy ám ảnh, trong phút chốc Hoài cũng quên đi…

***

Suy nghĩ: “Mình chỉ ăn trưa với anh ấy thôi, không hơn” giờ đã thành “Mình chỉ hôn môi thôi, không hơn”. Chưa kịp dặn dò bản thân kỹ càng thêm, Hoài lại bị cuốn theo những tin nhắn cuồn cuộn cảm xúc của anh sau đó. Lần đầu tiên Hoài biết được, người ta có thể “làm tình” qua tin nhắn, khi đang ở cách xa nhau hơn mười cây số, thậm chí khi đang có một người khác bên cạnh. Anh dẫn dắt Hoài đi vào “khúc dạo đầu” bằng những lời mơn trớn, cùng Hoài buông lơi cơ thể để đi dần vào nhau một cách nồng nàn. Khi anh “vỡ òa” bên kia đầu dây thì Hoài cũng rùng mình nhận ra mình “ướt đẫm”. Chồng vẫn vô tư ngáy vang ở nửa giường còn lại khiến Hoài chạnh lòng. Nhưng rồi những đêm sau, Hoài vẫn nhắm mắt để anh cầm tay lôi vào trò chơi đầy nhục cảm qua những con chữ không dấu, với sự tự trấn an: “Mình chỉ ngoại tình qua tin nhắn thôi, không hơn”.

Sinh nhật anh, Hoài không chuẩn bị quà vì anh gợi ý: “Em chính là món quà mà anh muốn nhận”. Suốt buổi sáng hôm đó, Hoài thừ người không làm được gì cả. Anh chẳng nhắn tin nhắc Hoài ăn sáng, nhắc Hoài thỉnh thoảng nghỉ mắt, tránh nhìn màn hình vi tính như thường lệ. Có lẽ, anh cũng đang hồi hộp giống Hoài.

Hai người nhanh chóng dùng xong bữa trưa và lẳng lặng cho xe chạy bên nhau, hướng về khúc đường vắng có nhiều nhà nghỉ san sát. Không ai nhìn vào mắt ai, khi anh làm “thủ tục” và đung đưa chiếc chìa khóa phòng theo nhịp bước chân lên lầu.

Hoài run run bước vào căn phòng mà cả anh và Hoài đang định dùng nó để biến những tin nhắn “nồng nàn” bấy lâu thành hiện thực. Anh tế nhị tắt hết đèn, chỉ để ánh sáng mờ mờ thoát ra từ cửa toa-lét. Khi anh khéo léo thả rơi chiếc váy trên người Hoài xuống, Hoài chợt hóa đá.

Hai bên vách tường bao quanh chiếc giường nệm êm ái, chủ nhà nghỉ cho đặt những tấm gương lớn tự bao giờ. Để làm gì, Hoài không biết và cũng không cần biết.

Trong tích tắc, Hoài nhặt nhạnh những gì của mình và vội vã thoát ra khỏi căn phòng ma mị đó. Sau lưng Hoài, anh chỉ ngơ ngác gọi tên Hoài một lần, nhưng Hoài lại nghe thấy hàng trăm tiếng vọng và tưởng như có hàng ngàn mảnh gương vỡ bay bám theo.

Hoài vừa khóc vừa gọi điện cho ba, hẹn ngày cùng ra thăm mộ mẹ. Mẹ Hoài đã vì những phút yếu lòng như thế…

Thông tin sách:

Đám cưới trong mơ

Tác giả: Đỗ An

Số trang: 204

Khổ sách: 12×20

Giá bìa: 58.000

Bình luận về bài viết này